Điểm mới trong đào tạo, thi sát hạch về đấu thầu
Rút ngắn thời gian thi, bỏ quy định về điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu… Đó là một số điểm mới trong Thông tư số 04/2019/TT-BKHĐT quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thay thế Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau gần 3 năm thực hiện, Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT ban hành ngày 5/5/2016 quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu đã bộc lộ một số điểm cần sửa đổi, thay thế nhằm đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh. Thông tư số 04/2019/TT-BKHĐT gồm 5 chương, 23 điều và 3 phụ lục, được ban hành với kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
Khác với Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT, Thông tư số 04/2019/TT-BKHĐT không quy định về điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu. Như vậy, việc kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, khi thực hiện đào tạo về đấu thầu cơ bản, các cơ sở đào tạo vẫn phải tuân thủ theo chương trình khung cũng như thời lượng đào tạo theo quy định.
Điểm mới đáng chú ý khác là rút ngắn thời gian thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu, bảo đảm thuận tiện hơn cho thí sinh. Cụ thể, quy định thời gian thi trong các kỳ thi trước đây là 180 phút đối với môn thi viết, 60 phút đối với môn thi trắc nghiệm. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh, Điều 15 Thông tư 04 quy định thời gian thi tối đa là 120 phút đối với môn thi viết và 60 phút đối với môn thi trắc nghiệm.
Cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân có nhu cầu dự thi sát hạch, Thông tư 04 quy định việc đăng ký thi sát hạch thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (không nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý đấu thầu). Quy định này sẽ góp phần giảm thiểu thời gian thẩm định hồ sơ, tiết kiệm chi phí, nhân lực.
Đặc biệt, về đối tượng bắt buộc/không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu, Thông tư 04 đã có những quy định rõ ràng hơn. Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 11 quy định, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu được cấp cho cá nhân khi phải trực tiếp thực hiện các nội dung công việc theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Đấu thầu. Đó là: cá nhân thuộc doanh nghiệp hoạt động tư vấn đấu thầu hoặc đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu; cá nhân hoạt động tư vấn độc lập về đấu thầu; cá nhân thuộc ban quản lý dự án chuyên nghiệp; cá nhân thuộc đơn vị mua sắm tập trung chuyên trách…
Khoản 6 Điều 11 nêu rõ: “Cá nhân thuộc ban quản lý dự án được thành lập để thực hiện từng dự án cụ thể và ban quản lý dự án này sẽ giải thể sau khi kết thúc dự án; cá nhân tham gia vào các công việc nêu tại Khoản 2 Điều 11 trong mua sắm tập trung theo mô hình kiêm nhiệm, không thường xuyên, liên tục… thì không thuộc đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu. Khoản 7 Điều 11 quy định: “Trường hợp cần có ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành thì không bắt buộc các chuyên gia này phải có chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu”.
Những quy định cụ thể, rõ ràng nói trên sẽ tránh gây hiểu lầm về đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu và đối tượng không phải thi sát hạch, từ đó tiết giảm chi phí không cần thiết của xã hội cũng như giảm áp lực trong việc tổ chức các kỳ thi.
|