QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU THẦU QUA MẠNG
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU THẦU QUA MẠNG
1. CĂN CỨ PHÁP LÝ
+ Luật đấu thầu 2013
+ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP
+ Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT
+ Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT
+ Thông tư số 05/2020/TT-BKHĐT
2. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG ĐẤU THẦU QUA MẠNG
Căn cứ Điều 60 Luật đấu thầu 2013, Điều 84 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Điều 1 Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT quy định về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (lựa chọn nhà thầu qua mạng) đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp được tổ chức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh trong nước theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Đối với gói thầu chia thành nhiều phần sẽ không áp dụng đấu thầu qua mạng. Trường hợp cần áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với gói thầu chia thành nhiều phần thì phải tách các phần thành gói thầu riêng biệt để lựa chọn nhà thầu.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT về lộ trình đấu thầu qua mạng năm 2020: Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù;
Có tất cả gồm 08 mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng (E-HSMT) ( Chi tiết tại Điều 4 Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT và Điều 1 Thông tư 05/2020/TT-BKHĐT) tương ứng với 2 phương thức lựa chọn nhà thầu:
+ Một giai đoạn 1 túi hồ sơ theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh gồm: gói thầu xây lắp quy mô nhỏ, gói thầu mua sắm hàng hóa quy mô nhỏ, gói thầu dịch vụ phi tư vấn quy mô nhỏ;
+ Một giai đoạn 2 túi hồ sơ theo hình thức đấu thầu rộng rãi gồm: gói thầu xây lắp, gói thầu mua sắm hàng hóa, gói thầu dịch vụ tư vấn, gói thầu dịch vụ phi tư vấn và mẫu 07 E-HSMT áp dụng đối với gói thầu chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn.
3. TRÁCH NHIỆM CỦA BÊN MỜI THẦU
Căn cứ theo Điều 75 và Điều 79 Luật đấu thầu 2013 quy định về trách nhiệm của bên mời thầu như sau:
+ Trang bị cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đấu thầu qua mạng;
+ Quản lý và không tiết lộ khóa bí mật của chứng thư số được cấp.
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của các thông tin đã đăng ký, đăng tải lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi đăng nhập bằng chứng thư số của mình;
+ Kiểm tra và xác nhận việc đăng tải các thông tin của mình đã nhập vào hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
4. QUY TRÌNH LỰA CHỌN NHÀ THẦU QUA MẠNG
4.1.Quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ
- Quy trình lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp được tổ chức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường
Căn cứ theo Điều 8 Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT :
– Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu
Lập, thẩm định và phê duyệt E-HSMT, bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống, sau đó chọn mục “Hàng hóa” hoặc “Xây lắp” hoặc “Dịch vụ phi tư vấn” tương ứng để lập E-HSMT. Thành phần và định dạng file của E-HSMT theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư. Sau khi lập xong E-HSMT, bên mời thầu in hồ sơ trình chủ đầu tư, tổ chức thẩm định, phê duyệt. Bên mời thầu phải chịu trách nhiệm về sự thống nhất giữa nội dung E-HSMT trên Hệ thống và bản mà chủ đầu tư phê duyệt.
– Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu
+ Đăng tải E-TBMT và phát hành E-HSMT
Bên mời thầu đăng tải E-TBMT và phát hành E-HSMT theo hướng dẫn trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Thời gian chuẩn bị E-HSDT tối thiểu là 10 ngày đối với gói thầu áp dụng đấu thầu rộng rãi và 05 ngày làm việc đối với gói thầu áp dụng chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường, kể từ ngày đầu tiên đăng tải E-TBMT trên Hệ thống.
+ Sửa đổi, làm rõ E-HSMT
Trường hợp cần sửa đổi E-HSMT, bên mời thầu đăng nhập và chỉnh sửa trực tiếp trên Hệ thống sau khi có sự chấp thuận về nội dung của chủ đầu tư và bên mời thầu phải đăng tải quyết định sửa đổi E-HSMT (kèm theo các nội dung sửa đổi).
Việc sửa đổi phải được thực hiện trước thời điểm đóng thầu tối thiểu 03 ngày làm việc; trường hợp không bảo đảm đủ thời gian như nêu trên thì phải gia hạn thời điểm đóng thầu. Trường hợp cần làm rõ E-HSMT, nhà thầu gửi đề nghị làm rõ đến bên mời thầu thông qua Hệ thống tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày có thời điểm đóng thầu để xem xét, xử lý. Nội dung làm rõ E-HSMT được bên mời thầu đăng tải lên Hệ thống.
+ Nộp Hồ sơ dự thầu qua mạng (E-HSDT)
Bên dự thầu nộp E-HSDT theo hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT.
+ Mở thầu
Đến thời điểm mở thầu, bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và chọn gói thầu cần mở theo số E-TBMT. Sau đó, bên mời thầu giải mã E-HSDT của các nhà thầu tham dự thầu. Biên bản mở thầu phải đăng tải công khai trên Hệ thống, bao gồm các nội dung thông tin về gói thầu và các nhà thầu tham dự được hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT; Việc mở thầu phải được hoàn thành trong vòng 02 giờ kể từ thời điểm đóng thầu;
Trường hợp có ít hơn 03 nhà thầu nộp E-HSDT thì bên mời thầu mở thầu ngay mà không phải cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nọp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo quy định tại Khoản 4 Điều 117 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
– Bước 3: Đánh giá E-HSDT, xếp hạng nhà thầu
Bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và tải E-HSDT của các nhà thầu để tổ chức đánh giá. Việc đánh giá E-HSDT được thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và tiêu chuẩn đánh giá nêu trong E-HSMT (Chi tiết tại Điều 15 Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT).
Trong đó lưu ý:
+ Đối với các nội dung về năng lực và kinh nghiệm, việc đánh giá E-HSDT được thực hiện trên cơ sở các thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT mà không yêu cầu nhà thầu phải đính kèm file tài liệu chứng minh. Nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải nộp các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật cho bên mời thầu để đối chiếu với thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT.
+ Đối với gói thầu xây lắp, nhà thầu có thể đính kèm chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng công trình hoặc không đính kèm chứng chỉ này trong E-HSDT, kể cả trường hợp E-HSMT có yêu cầu nhà thầu phải có chứng chỉ này. Việc nhà thầu không đính kèm chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng công trình không phải là lý do loại bỏ nhà thầu. Nhà thầu vẫn được tiếp tục xem xét, đánh giá và được xét duyệt trúng thầu. Trường hợp nhà thầu trúng thầu, nhà thầu phải xuất trình chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng công trình trước khi trao hợp đồng. ( Khoản 3 Điều 1 Thông tư 05/2020/TT-BKHĐT)
+ Căn cứ vào E-HSDT của các nhà thầu đã nộp trên Hệ thống và phương pháp đánh giá E-HSDT quy định trong E-HSMT, bên mời thầu chọn 01 trong 02 quy trình đánh giá E-HSDT cho phù hợp để đánh giá E-HSDT gồm:
- Quy trình 01: áp dụng đối với phương pháp “giá đánh giá” và “giá thấp nhất”;
- Quy trình 02: áp dụng đối với gói thầu theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, đánh giá E-HSDT theo phương pháp “giá thấp nhất” và các E-HSDT đều không có bất kỳ ưu đãi nào.
– Bước 4: Thương thảo hợp đồng; trình, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu
+ Việc thương thảo hợp đồng, trình, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
+ Sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, bên mời thầu phải đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống, bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Thông tin về gói thầu, về nhà thầu trúng thầu, Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo hướng dẫn tại Điều 18 Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT.
– Bước 5: Hoàn thiện, ký kết hợp đồng
b. Phương thức chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn
– Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu
Quy trình lập và phê duyệt E-HSMT được thực hiện theo quy định tương tự như đối với gói thầu thực hiện phương thức chào hàng cạnh tranh thông thường nêu tại điểm a trên đây. Thành phần và định dạng file của E-HSMT theo hướng dẫn tại Điều 19 Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT. Chủ đầu tư không cần tổ chức thẩm định khi phê duyệt E-HSMT.
– Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu
+ Thông báo mời thầu, phát hành E-HSMT thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT. Thời gian chuẩn bị E-HSDT tối thiểu là 03 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên phát hành E-TBMT lên Hệ thống.
+ Sửa đổi, làm rõ E-HSMT, nộp E-HSDT và mở thầu được thực hiện tương tự như đối với gói thầu thực hiện phương thức chào hàng cạnh tranh thông thường nêu tại điểm a trên đây.
– Bước 3: Đánh giá E-HSDT, thương thảo hợp đồng, thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu
Đánh giá E-HSDT, thương thảo hợp đồng, thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu thực hiện theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP
4.2. Đối với phương thức một giai đoạn hai túi hồ
– Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu
Quy trình lập, thẩm định và phê duyệt E-HSMT được thực hiện tương tự như Quy trình lập, thẩm định và phê duyệt E-HSMT ở quy trình đối với gói thầu thực hiện phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ nêu tại điểm a trên đây.
– Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu
+ Thông báo và phát hành E-HSMT thực hiện theo quy định tương tự như quy trình đối với gói thầu thực hiện phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ nêu tại điểm a trên đây. Thời gian chuẩn bị E-HSDT tối thiểu là 20 ngày kể từ ngày đầu tiên phát hành E-TBMT lên Hệ thống.
+ Sửa đổi, làm rõ E-HSMT, nộp E-HSDT thực hiện theo quy định tương tự như quy trình đối với gói thầu thực hiện phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ nêu tại điểm a trên đây.
+ Mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật (E-HSĐXKT), đến thời điểm mở thầu, bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và chọn gói thầu cần mở theo số E-TBMT. Sau đó, bên mời thầu giải mã E-HSĐXKT của các nhà thầu tham dự thầu. Biên bản mở E-HSĐXKT phải được đăng tải công khai trên Hệ thống, bao gồm các nội dung Thông tin về gói thầu và các nhà thầu tham dự như hướng dẫn tại Điều 28 của Hướng dẫn đấu thầu qua mạng, quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng. Việc mở E-HSĐXKT phải được hoàn thành trong vòng 02 giờ kể từ thời điểm đóng thầu.
– Bước 3: Đánh giá E-HSĐXKT, trình, thẩm định và phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
+ Bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và tải E-HSĐXKT của các nhà thầu để tổ chức đánh giá. Việc đánh giá E- HSĐXKT được thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và tiêu chuẩn đánh giá nêu trong E-HSMT.
Đánh giá Đối với các nội dung về năng lực và kinh nghiệm tương tự như quy trình đối với gói thầu thực hiện phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ nêu tại điểm a trên đây.
+ Làm rõ E-HSDT, bên mời thầu và nhà thầu tiến hành làm rõ E-HSDT trực tiếp trên Hệ thống.
+ Công khai danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, sau khi có quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, bên mời thầu phải đăng tải công khai danh sách này trên Hệ thống theo trình tự hướng dẫn tại Điều 30 Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT.
– Bước 4: Mở E-HSĐXTC
Bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và chọn gói thầu cần mở theo số E-TBMT. Bên mời thầu giải mã E-HSĐXTC của các nhà thầu có tên trong danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Lưu ý: Phải đăng tải công khai Biên bản mở E-HSĐXTC trên Hệ thống. Nội dung đăng tải công khai gồm: thông tin về gói thầu, về các nhà thầu được mở hồ sơ đề xuất về tài chính theo hướng dẫn tại Điều 31 Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT.
– Bước 5: Đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính và phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu.
– Bước 6: Thương thảo hợp đồng, trình, thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
5. CHI PHÍ THAM GIA VÀO HỆ THỐNG MẠNG ĐẤU THẦU QUỐC GIA
Chi phí tham gia vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tính tới thời điểm hiện tại gồm các loại chi phí sau (bao gồm VAT):
- Chi phí đăng ký tham gia Hệ thống (550.000 đồng) ;
- Chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống (550.000 VND/năm);
- Chi phí nộp hồ sơ dự thầu (330.000 VND/gói thầu);
- Chi phí nộp hồ sơ đề xuất (220.000 VND/gói thầu ).
Chi tiết tại Khoản 2 Điều 24 Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 12 năm 2019.
Nếu bạn vẫn còn vướng mắc một trong những vấn đề nêu trên hãy gọi ngay tới Hotline: 0976464688 để các chuyên viên tư vấn hỗ trợ.
|