Thế nào là nhà thầu có tình hình tài chính lành mạnh?
Năng lực tài chính của nhà thầu được đánh giá thông qua các tiêu chí như giá trị tài sản ròng năm gần nhất phải dương; doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu mà không yêu cầu về lợi nhuận.gn
Ông Trần Trọng Toản (Hà Nội) hỏi, về tình hình tài chính của nhà thầu thì lợi nhuận trước thuế được hiểu là lợi nhuận trước thuế của tổng lợi nhuận kế toán trước thuế TNDN và lợi nhuận sau thuế hiểu là lợi nhuận sau thuế của tổng lợi nhuận kế toán trước thuế TNDN có đúng không?
Trong Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT, ông Toản thấy có cụm từ "chứng minh tình hình tài chính lành mạnh của nhà thầu", vậy tình hình tài chính của nhà thầu như thế nào thì lành mạnh?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.
Theo hướng dẫn tại khoản 2.1 Mục 2 Chương III của Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa (mẫu số 01) ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì năng lực tài chính của nhà thầu được đánh giá thông qua các tiêu chí như giá trị tài sản ròng năm gần nhất phải dương; doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu mà không yêu cầu về lợi nhuận.
Đối với vấn đề của ông Toản, việc đánh giá hồ sơ dự thầu về năng lực tài chính được thực hiện theo quy định nêu trên.
|